jamacor
310

Thư Đức Giám Quản Opus Dei về tình bạn (1 tháng 11 2019)

Thư Đức Giám Quản Opus Dei về tình bạn (1 tháng 11 2019)

Thư mục vụ của Đức Ông Fernando Ocáriz về tầm quan trọng của tình bạn. “Bằng việc sống trong tình bạn với Chúa, là tình bạn đầu tiên chúng ta phải giữ gìn và củng cố, bạn sẽ có thể có nhiều người bạn thật sự.”

TIN TỨC 11-11-2019

Các con thân mến: Xin Chúa Giêsu luôn gìn giữ các con của cha!

1 Trong lá thư dài đầu tiên cha viết cho các con, trong đó có đề cập đến những kết luận từ Hội Nghị Chung (General Congress), cha đã nói rằng “tình trạng loan báo Tin Mừng hiện tại đang trở nên khẩn thiết hơn bao giờ để cần ưu tiên cho việc xây dựng tương quan cá nhân với người khác. Khía cạnh tương quan này là trọng tâm của phương thức hoạt động tông đồ Thánh Josemaria đã tìm thấy trong các trình thuật của sách Tin Mừng.” [1]

Trong rất nhiều buổi gặp gỡ của cha với mọi người ở các quốc gia, đã có rất nhiều lời bình luận và câu hỏi bộc phát về tình bạn. Thánh Josemaria thường nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng cho con người và Kitô hữu điều tốt lành tuyệt vời này. Cũng có phong phú các chứng từ về cách cha thánh xây dựng và giữ gìn những tình bạn trong suốt cuộc đời ngài. Như chúng ta biết rõ, ngài luôn nhấn mạnh với chúng ta rằng việc tông đồ trong Opus Dei cốt ở tình bạn và tín nhiệm. Trong lá thư này, cha ước mong nhắc nhở các con về một vài khía cạnh trong giáo huấn của Cha chúng ta về chủ đề này.

Tình bạn của Chúa Giêsu

2 Đức Giêsu Kitô, con người trọn hảo, đã sống sung mãn giá trị con người của tình bạn. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy làm cách nào, từ lúc còn trẻ, Người đã làm bạn với nhiều người xung quanh. Lúc mười hai tuổi, Mẹ Maria và Thánh Giuse, trên đường trở về từ Giêrusalem, tưởng Đức Giêsu đi cùng nhóm bạn và họ hàng (x. Lc 2,44). Sau này, trong cuộc sống công khai của Người, chúng ta thường thấy Người tại nhà những người bạn và người quen, hoặc để thăm hỏi hoặc để chia sẻ bữa ăn: ở nhà Phêrô (x. Lc 4, 38), trong nhà của Lêvi (x. Lc 5, 29), hay Si-môn (x. Lc 7, 36), Gia-ia (x. Lc 8, 41), Gia-kêu (x. Lc 19,5), v.v. Chúng ta cũng thấy Người dự tiệc cưới ở Cana (x. Ga 2, 1) và trong những nơi thờ phượng bên cạnh những người khác (x. Ga 8, 2). Trong các dịp khác, Người dành riêng thời gian cho các môn đệ (x. Mc 3, 7).

Đức Giêsu tận dụng bất cứ hoàn cảnh nào để bắt đầu xây dựng tương quan bằng hữu, và chúng ta cũng thường thấy Người dừng lại để dành thời gian cho những người đặc biệt. Một vài phút nói chuyện cũng đủ cho người phụ nữ Samari cảm nhận được mình được hiểu và cảm thông. Và vì vậy chị mới hỏi : “Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao? (Ga 4, 29). Các môn đệ từ Emmau, sau đoạn đường đi bên cạnh và ngồi cùng bàn với Đức Giêsu, nhận ra sự hiện diện của Người Bạn đã làm lòng họ bừng cháy với lời của Người (x. Lc 24, 32).

Chúa thường dành thời gian dài hơn cho những người bạn của Người. Chúng ta thấy điều này nơi mái nhà Bê-ta-ni-a. Ở đó, với những ngày dài trôi qua trong tình thân gia đình, “Chúa Giêsu sẻ chia những lời thân tình và khích lệ, và đáp trả tình bạn với tình bạn của chính Ngài. Tuyệt vời thay những đoạn đối thoại tại Bê-ta-ni-a, với La-da-rô, Mac-ta, và Maria!” [2] Trong ngôi nhà đó, chúng ta cũng hiểu rằng tình bạn của Đức Kitô làm nảy sinh một niềm tin tưởng sâu xa (x.Ga 11, 21) chứa đầy lòng cảm thương, đặc biệt khả năng đồng hành với người khác trong những lúc họ đau khổ (Ga 11, 35).

Nhưng chỉ đến Bữa tiệc ly Chúa mới thể hiện cách sâu sắc nhất khát khao của Ngài khi tặng ban tình bạn cho chúng ta. Trong sự thân tình của Phòng tiệc ly, Chúa Giêsu nói với các tông đồ: Thầy gọi anh em là bạn hữu (Ga 15, 15). Và qua họ, Người nói điều nay với tất cả chúng ta. Thiên Chúa yêu chúng ta không chỉ như tạo vật mà như những người con, trong Đức Kitô, Người ban tặng tình bạn đích thật. Và chúng ta đáp trả lại tình bạn này bằng cách kết hợp ý mình với Thánh ý Người, bằng cách làm điều Chúa muốn (x. Ga 15, 4).

“Idem velle atque idem nolle - cùng muốn một điều và cùng chối từ một điều - được người xưa công nhận như nội dung chân thực của tình yêu: người này nên giống người kia, và điều này đưa đến sự hợp nhất một lòng một ý. Mối tình giữa Thiên Chúa và con người bao hàm sự thật này là sự hiệp thông ý chí lớn lên trong sự hiệp thông ý và tình, nhờ đó ý muốn của chúng ta và của Thiên Chúa sẽ ngày một hòa hợp: Ý muốn của Thiên Chúa không còn xa lạ đối với tôi, không còn là điều áp đặt lên tôi từ bên ngoài bởi những điều răn, nhưng giờ đây là chính ý muốn của tôi, xuất phát từ ý thức rằng Thiên Chúa thực sự hiện diện cách thâm sâu trong tôi hơn cả tôi đối với chính mình. Từ đó, sự phó thác vào Chúa ngày càng lớn lên và Người trở nên niềm vui của chúng ta (x. Tv 73[72], 23-28)” [3]

3 Nhận thức chúng ta có một tình bạn chân thật với Đức Giêsu làm chúng ta đầy tràn tin tưởng, vì Người rất mực thủy chung. “Tình bạn với Đức Giêsu không thể bị phá hủy. Ngài không bao giờ rời bỏ chúng ta, ngay cả khi có những lúc dường như Ngài lặng thinh. Khi chúng ta cần Ngài, Ngài hiển lộ chính mình cho chúng ta (x. Gr 29, 14); Ngài ở cạnh chúng ta bất cứ nơi nào chúng ta đi (x. Gs 1, 9). Ngài không bao giờ hủy giao ước của Ngài. Ngài chỉ đơn giản xin chúng ta đừng bỏ Ngài mà đi: Hãy ở lại trong Thầy (Ga 15, 4). Nhưng ngay cả nếu chúng ta rời xa Ngài, Ngài vẫn một lòng trung tín, vì Ngài không thể nào chối bỏ chính mình. (2 Tm 2, 13). [4]

Đáp trả tình bạn của Đức Giêsu bằng tình yêu mến Người, với tình yêu là hồn của sự sống Kitô hữu và cố gắng bày tỏ tình yêu đó trong mọi việc chúng ta làm. “Chúng ta cần một đời sống nội tâm phong phú, đấy là dấu hiệu chắc chắn trong tình bạn với Thiên Chúa và là điều kiện không thể tách rời cho bất kỳ công việc nào với các linh hồn.”[5] Mọi việc tông đồ, tất cả công việc để nên ơn ích cho các linh hồn, phát xuất từ tình bạn này với Chúa, là nguồn tình yêu Kitô hữu chân thực với những người khác. “Bằng việc sống trong tình bạn với Chúa, là tình bạn đầu tiên chúng ta phải giữ gìn và củng cố, bạn sẽ có thể có nhiều người bạn thật sự (x. Hc 6, 17). Nỗ lực mà Chúa đã và vẫn tiếp tục để giữ chúng ta trong tình bạn với Người cũng là chính nỗ lực Người làm đối với những tâm hồn khác, và dùng chúng ta như khí cụ để thực hiện điều đó.”[6]

Giá trị con người và giá trị Kitô hữu của tình bạn

4 Tình bạn là một thực tại con người rất phong phú — một thể thức của tình yêu giữa hai người với nhau, được xây dựng trên hiểu biết và đối thoại lẫn nhau.[7] Đấy là một thể thức tình yêu được hướng dẫn “theo hai chiều hướng là tìm kiếm sự tốt lành nơi người kia, một tình yêu làm nẩy sinh hiệp nhất và hạnh phúc.”[8] Vì vậy Kinh Thánh nói rằng không gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được. (Hc 6, 15).

Đức Mến nâng tầm khả năng yêu mến của con người lên mức siêu nhiên, và từ đó cả tình bạn cũng vậy. “Tình bạn là một trong những tình cảm cao nhất và cao quý nhất của con người, tình cảm được Ân Sủng thanh tẩy và biến đổi”[9] Tình cảm này có thể đôi khi bộc phát, nhưng trong mỗi trường hợp nó cần lớn lên qua tương quan cá nhân và qua việc dành thời gian cho nó. “Tình bạn không phải là một mối quan hệ mau qua hay tạm thời, nhưng lâu bền, vững chắc và thành tín, và trưởng thành theo dòng thời gian. Đó là một mối quan hệ tình cảm làm chúng ta cảm thấy được hiệp nhất và là một tình yêu quảng đại dẫn chúng ta tìm kiếm sự tốt lành nơi người bạn của chúng ta.”[10]

5 Thiên Chúa thường dùng những tình bạn chân thật để thực thi công việc cứu độ của Người. Sách Cựu ước tường thuật tình bạn giữa Đa-vít, lúc còn trẻ, và Giô-na-than, người thừa kế ngai vàng Israel (1 Sm 18, 4). Giô-na-than đã không ngần ngại chia sẻ với bạn của mình tất cả những gì ông có (1 Sm 18, 4), và trong những lúc khó khăn ông đã nhắc nhớ cha mình, Sa-un, về những điều tốt lành mà Đa-vit đã làm (1 Sm 19, 4). Giô-na-than còn liều cả quyền thừa kế để biện hộ cho bạn mình, ông yêu Đa-vít như yêu chính mình (1 Sm 20, 17). Tình bạn chân thành này đã khiến cả hai trung thành với Chúa (x. 1 Sm 20: 8, 42)

Mẫu gương của những người Kitô hữu tiên khởi đặc biệt hùng hồn ở mặt này. Cha chúng ta (Thánh Josemaria) nhấn mạnh rằng “họ đã yêu mến nhau, qua trái tim Đức Kitô, với một tình yêu vừa trìu mến vừa mạnh mẽ.”[11] Lòng mến dành cho nhau đã luôn là một dấu hiệu đặc trưng của những người môn đệ Đức Kitô ngày từ thời Giáo hội sơ khai (x. Ga 13, 35).

Chúng ta còn tìm thấy một mẫu gương khác ở thế kỷ thứ nhất của Kitô giáo nơi Thánh Basil và Thánh Gregory Nazianzus. Tình bạn mà hai vị xây dựng thuở thiếu thời đã giữ họ hiệp thông suốt cuộc đời, và ngay cả đến ngày nay họ cùng chia sẻ ngày lễ nhớ trong lịch phụng vụ. Thánh Gregory nói rằng “mục tiêu và khát vọng duy nhất của chúng tôi là nhân đức, và một đời sống cậy trông vào những phúc lành sẽ đến.”[12] Tình bạn của họ, thay vì làm họ cách biệt với Chúa, dẫn họ đến gần với Người hơn: “Với góc nhìn về đích đến này, chúng tôi sắp xếp trật tự cuộc sống và tất cả các hành động. Chúng tôi làm theo sự hướng dẫn của luật Chúa và khích lệ nhau sống nhân đức”[13]

6 “Trong một người Kitô hữu, trong một người con của Thiên Chúa, tình bạn và đức ái là một. Chúng là ánh sáng thần linh lan tỏa hơi ấm.”[14] Người ta còn có thể nói, với lời của Thánh Âu-tinh gởi đến Chúa, rằng đối với những người Kitô hữu “tình bạn chân thật chỉ hiện hữu giữa những ai Ngài hợp nhất trong đức mến.”[15] Do đó, vì đức mến có thể nồng nhiệt ít nhiều, và vì thời gian của một người hạn hữu, tình bạn có thể nông hoặc sâu. Và vì vậy người ta thường nói “những người bạn tuyệt vời (great friends)” hay có “tình bạn cao cả (great friendship),” mặc dù cách nói này không loại bỏ sự hiện hữu của những tình bạn chân thật nhưng không cao cả hay thân tình bằng.

Vào đầu thiên niên kỷ mới, Thánh Gioan Phaolô II đã nói rằng tất cả những hoạt động tông đồ bừng lên trong tương lai sẽ trở thành “những bộ máy không có linh hồn” nếu chúng không được đặt nền trên một tình yêu chân thành cho mọi người, trên việc “có thể chia sẻ những niềm vui và khổ đau của họ, cảm nhận khát khao và đáp lại nhu cầu của họ, trao tặng họ một tình bạn sâu sắc và chân thật.”[16] Các trung tâm của chúng ta, được đặt định để thực hành giáo lý tốt đẹp, nên là nơi mà người khác tìm thấy một tình yêu chân thành và học cách trở thành bạn hữu đích thực.

7 Tình bạn Kitô hữu không loại trừ bất kỳ ai; với một trái tim rộng lớn nó cần chủ đích rộng mở với tất cả mọi người. Người Pha-ri-sêu chỉ trích Đức Giêsu, như thể làm bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi (Mt 11, 19) là điều gì xấu xa. Nỗ lực noi theo Chúa chúng ta, trong sự nhỏ bé của chính mình, “chúng ta cũng không loại bỏ bất kỳ ai; chúng ta không chối từ bất kỳ linh hồn nào một chỗ trong tình yêu chúng ta dành cho Đức Kitô. Vì vậy, các con cần phải nuôi dưỡng một tình bạn vững bền, thủy chung, và chân thành - chính là một tình bạn Kitô hữu - với tất cả những người đồng nghiệp của các con. Và, hơn thế nữa, các con phải làm điều đó với tất cả mọi người, bất kể hoàn cảnh riêng của người đó.” [17]

Đức Kitô hoàn toàn hòa mình vào trong tình trạng xã hội nơi Người ở và vào thời của Người và nhờ đó đã làm gương cho chúng ta trong việc này. Như thánh Josemaria đã viết, “Đức Chúa không giới hạn đối thoại với chỉ một nhóm nhỏ. Người nói chuyện với tất cả mọi người: với những người phụ nữ thánh thiện, với đám đông; với những nhà chức trách thượng tầng của Israel như Ni-cô-đê-mô và với những người thu thuế như Da-kêu; với những người được xem như đạo đức và với những kẻ tội lỗi như người phụ nữ Sa-ma-ri-a; với người khỏe mạnh và đau yếu; với người nghèo khó, người mà Chúa rất mực yêu quý; với những nhà giáo luật và người ngoại, người mà Chúa đã khen có lòng tin trên cả người Israel; với người già và trẻ em. Chúa Giêsu không từ một ai những lời chữa lành, ủi an, và soi sáng. Cha thường hay suy ngẫm và cùng để những người khác ngẫm suy về cách Đức Kitô làm việc tông đồ - vừa nhân bản lại vừa thần linh trong cùng một lúc - dựa trên tình bạn và tin tưởng!” [18]

Tỏ bày tình bạn

8…..Tình bạn đặc biệt có giá trị vì có dấu hiệu cần thiết của đức mến, chính là việc cảm thông người khác. “Tình bạn chân thật cũng có nghĩa là nỗ lực hết sức để hiểu niềm xác tín của bạn bè chúng ta, ngay cả khi chúng ta có thể không bao giờ đồng ý hay chấp nhận những điều đó.”[19] Vì vậy bạn chúng ta có thể giúp ta hiểu những cách nhìn cuộc sống khác với cách của mình, điều đó làm phong phú thế giới nội tâm của chúng ta, và, khi tình bạn đã đủ sâu sắc, giúp chúng ta trải nghiệm thế giới một cách khác. Suy cho cùng, đây chính là cách chia sẻ chân thật những cảm nghĩ của người khác, là sẻ chia trong cuộc sống và kinh nghiệm của họ.

Yêu mến người khác có nghĩa là nhìn nhận họ như chính họ, với những vấn đề, khuyết điểm, quá khứ, hoàn cảnh xã hội xung quanh họ, và thời gian riêng họ cần để đến gần với Chúa Giêsu. Vì vậy, để xây dựng một tình bạn chân thật, chúng ta cần phát triển khả năng nhìn đến những người khác với lòng trìu mến đến mức chúng ta nhìn thấy họ bằng chính cặp mắt của Đức Kitô. Chúng ta cần thanh tẩy cái nhìn định kiến của mình, và học cách khám phá điều tốt nơi mỗi người, và từ bỏ khát vọng tái tạo họ “thành hình ảnh của chính chúng ta”. Để bạn bè có thể nhận được tình cảm của chúng ta, họ không cần phải thỏa bất kỳ điều kiện nào. Là người Kitô hữu, chúng ta nhìn mỗi người, trên hết mọi sự, như một người được Chúa yêu. Mỗi người là duy nhất, cũng như mỗi một tương quan bằng hữu vậy.

Như thánh Âu-tinh đã nói, “Không nên cho tất cả mọi người cùng một loại thuốc, mặc dù tất cả đều cần cùng một tình yêu. Cùng một tình yêu cung cấp ánh sáng cho một vài người và chia sẻ đau khổ của vài người khác … nó dịu dàng với một vài người, nghiêm khắc với những người khác; không là kẻ thù của một ai, và là một người mẹ đối với tất cả.”[20] Là một người bạn đồng nghĩa với việc học cách đối xử với mỗi người như Chúa đã làm. “Trong khi sáng tạo linh hồn, Thiên Chúa không lặp lại chính mình. Mỗi người là chính họ, và chúng ta cần ứng xử với mỗi người theo những gì Chúa đã làm và như cách Chúa đang hướng dẫn họ.” [21] Bởi vì đây là vấn đề khám phá và yêu mến điều lành nơi người khác, tình bạn cũng có nghĩa là chịu đau khổ với và cho bạn bè chúng ta. Trong những thời điểm khó khăn, sẽ là một ích lợi lớn lao khi chúng ta làm mới đức tin khi nhận thức Thiên Chúa tác động nơi tâm hồn của một người theo cách thức và thời gian của Người.

9 Tình bạn, hơn thế nữa, có một giá trị xã hội vô lường, vì nó nuôi dưỡng sự hòa hợp giữa các thành viên trong gia đình và sự hình thành môi trường xã hội tương xứng với con người. “Bằng ơn gọi linh thiêng,” Cha chúng ta viết, “các con sống giữa thế giới, sẻ chia cùng những người bạn nam cũng như nữ - những người ngang hàng với các con - niềm vui nỗi buồn, cố gắng và mơ ước, hy vọng và phiêu lưu. Khi bước dọc theo vô số con đường trên trái đất này các con sẽ phải nỗ lực, bởi vì tinh thần của chúng ta hướng dẫn chúng ta làm như vậy, sống hòa thuận với mọi người, được mọi người chào đón, để cùng giúp xây dựng một môi trường của an bình và tình bạn.”[22]

Môi trường tình bạn này, thứ mỗi người chúng ta được mời gọi mang theo, là hoa trái của rất nhiều nỗ lực làm cuộc sống người khác dễ chịu hơn. Lớn lên trong thân thiện, vui tươi, kiên nhẫn, lạc quan, tinh tế, và trong tất cả mọi nhân đức giúp sống chan hòa với mọi người là rất quan trọng để giúp người khác cảm thấy được đón nhận và hạnh phúc. Ăn nói dịu dàng thì tăng thêm bạn hữu, phát biểu dễ thương thì tăng thêm lời thân ái. (Hc 6, 5). Phấn đấu cải thiện tính cách của chúng ta là một điều kiện cần thiết để thúc đẩy các mối tương quan bạn bè.

Trái lại, vài cách bày tỏ mình có thể làm phiền hay hạn chế việc xây dựng một môi trường tình bạn. Ví dụ, quá mạnh mẽ bày tỏ ý kiến của mình, hay cho rằng cách mình nghĩ là tiếng nói cuối cùng, hoặc không chủ động tìm hiểu những gì người khác nói, là những cách hành xử làm cho một người đóng kín mình lại. Có lúc, những cách hành xử này cho thấy sự thiếu khả năng phân biệt giữa điều chỉ thuần túy là ý kiến và điều không phải, hay sự thất bại trong việc nhìn nhận một vấn đề có tính tương đối vì nó không nhất thiết chỉ có một giải pháp.

10 Mối quan tâm của người Kitô hữu đối với người khác xuất phát chính từ sự hiệp nhất với Đức Kitô và nhận ra mình nơi sứ mạng chính Người mời gọi. “Chúng ta được mời gọi để phục vụ đám đông. Chúng ta không bao giờ quy chụp về chính mình, nhưng sống đối mặt với bao người nam nữ. Và trong thâm tâm chúng ta chính là lời của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn (Mc 8, 2)![23]

Củng cố mối dây liên kết với bạn bè cần thời gian và quan tâm, và thường đồng nghĩa là tránh kiếm tìm tiện nghi hay gác qua sở thích riêng. Vì với một người Kitô hữu, ưu tiên hàng đầu là cầu nguyện, với sự đảm bảo rằng chúng ta sẽ tìm thấy nơi đó năng lượng đích thực có thể biến đổi thế giới. “Để thế giới của chúng ta di chuyển theo con đường Kitô—con đường duy nhất đáng để đi—chúng ta phải tạo lập tình bạn thành tín với tất cả mọi người, dựa trên tình bạn thành tín trước hết với Thiên Chúa.[24]

Chân thành và tình bạn

11 “Một người bạn đích thực không bao giờ có thể hai-mặt với bạn của mình: Vir duplex animo inconstans est in omnibus viis suis (Gc 1, 8) họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm. Nếu muốn nên thành tín và chân thành, tình bạn đòi hỏi sự hy sinh, liêm chính, trao đổi ơn huệ và ơn ích cao quý cũng như hợp pháp. Một người bạn được xem là chân thành và mạnh mẽ khi bước theo sự thận trọng siêu nhiên, người đó nghỉ quảng đại về người khác dù phải chịu thiệt về phần mình.” [25] Tình bạn có tính hỗ tương: nó là một sự giao tiếp chân thành, hai chiều; khi mỗi người chia sẻ kinh nghiệm của riêng mình, để biết về nhau.

Bạn bè chia sẻ niềm vui với nhau, như người mục tử tìm thấy con chiên bị lạc (x. Lc 15, 6) và người phụ nữ tìm thấy đồng quan bị mất (x. Lc 15, 9). Thêm vào đó, họ chia sẻ những hoài bão và kế hoạch, cũng như nỗi buồn. Tình bạn được hiển lộ đặc biệt trong sự sẵn sàng giúp đỡ, như thấy trong trường hợp của người đến gặp Đức Giêsu xin Người chữa lành người tôi tớ của bạn mình là viên đại đội trưởng (x. Lc 7, 6). Và trên tất cả, tình bạn cao quý nhất sẽ có khuynh hướng noi theo sự cao cả tình yêu nơi tình bạn của Đức Giêsu Kitô: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (Ga 15, 13).

12 Đôi khi có thể vì dè dặt hoặc ngại ngùng, một người không thể diễn đạt hết tất cả cảm tình của mình cho người khác như họ muốn. Vượt qua trở ngại này, mất đi nỗi sợ này, có thể là một cơ hội tuyệt vời để Chúa đổ trần tình yêu của Người trên những người bạn. “Tình bạn chân thật cần thương mến nhau chân thành, đó là sự bảo vệ đích thật cho tự do và thân tình đối với nhau.”[26] Tương tự, Thánh Tôma nói rằng tình bạn chân chính phải được diễn đạt ra bên ngoài: nó đòi hỏi “một sự tương giao cách yêu thương, vì tình bạn là giữa người bạn với người bạn.”[27]

Đồng thời, thật lòng trao tình bạn của chúng ta kéo theo việc sẵn sàng đón nhận rủi ro, bởi vì luôn có khả năng tình bạn ấy không được đáp trả. Điều này là một điều Chúa đã trải nghiệm trong chính cuộc sống của Người, khi người thanh niên giàu có thích lựa chọn con đường khác hơn (x. Mc 10, 22) hay khi, trên đường xuống từ núi Ô-liu, Người đã khóc thương Giêrusalem khi nghĩ đến những kẻ có trái tim chai đá (x. Lc 19, 41). Sau những kinh nghiệm như vậy, điều sẽ xảy ra sớm hay muộn, chúng ta phải vượt qua được nỗi sợ gặp phải rủi rỏ đó lần nữa, cũng như Chúa Giêsu đã làm điều đó với mỗi người chúng ta. Nói cách khác, chúng ta cần chấp nhận những điểm dễ tổn thương của mình, đi bước trước mà không trông đợi được đáp lại, với ánh mắt hướng đến điều tốt đẹp nhất có thể đến: một tình bạn chân thực.

13 Để đem lại một môi trường nơi tình bạn có thể đơm hoa kết trái, chúng ta cần nuôi dưỡng tính cách tự phát và hỗ trợ sáng kiến của mọi người trong gia đình và xã hội. Hai đức tính, tự phát và phát kiến, sẽ không lớn lên bởi sức ỳ trong bất kỳ hoàn cảnh xung quanh: chúng phải được nuôi dưỡng và người ta cần được khuyến khích để thể hiện con người thật của mình. Điều này cách tự nhiên dẫn đến “tính đa nguyên” (pluralism), điều “nên được yêu mến và chăm sóc, mặc dầu có người đôi khi có thể cảm thấy khó chấp nhận. Một người yêu mến sự tự do có thể tìm cách thấy khía cạnh tích cực và thu hút trong những điều người khác nghĩ.”[28] Thái độ trân trọng giá trị những người khác lạ, hoặc có suy nghĩ khác biệt, biểu thị hai khía cạnh của một tình bạn chân chính: sự tự do nội tâm và cởi mở.

Từ một góc độ khác, tình bạn, như tình yêu (như một cách biểu đạt khác), không phải là một thực tại đơn nghĩa. Không một tình thân nào chia sẻ giữa một người với tất cả người bạn của mình giống như nhau. Chẳng hạn, tình bạn giữa vợ chồng và tình bạn giữa cha mẹ và con cái, điều Thánh Josemaria khuyến khích nhiệt tình, và tình bạn giữa anh chị em hay giữa những người đồng nghiệp đều không giống nhau. Trong tất cả những điều này có một không gian nội tại được chia đều cho mỗi một mối tương quan đặc biệt. Tách bạch những điều khác biệt này trong cách thức chúng ta biểu đạt sự thân tình đối với người khác không ngụ ý bất kỳ sự thiếu hụt chân thành hay khuyết thiếu của tình bạn, mà ngược lại: một cách khái quát, đó là điều kiện để duy trì bản chất thật sự của mối tương quan đó.

Tình bạn và tình huynh đệ

14 Chân phước Alvaro del Portillo đã viết rằng “đối với những người yêu mến Chúa, làm con cái của Người và làm bạn của Người là hai điều không thể tách rời.”[29] Tương tự như vậy, có một mối liên kết rất gần giữa tình huynh đệ và tình bạn. Bắt đầu với một mối tương quan giản dị là con cái của cùng một cha mẹ, tình huynh đệ trở thành tình bạn qua yêu mến và tình mến giữa anh chị em, với tất cả mọi thứ bao hàm những sở thích được chia sẻ, cảm thông, giao tiếp, phục vụ chu đáo và hiểu biết, giúp đỡ vật chất, v.v.

Cũng vậy, tình huynh đệ xuất phát từ cùng một ơn gọi đến với Opus Dei cũng cần được biểu lộ trong tình bạn, điều sẽ trưởng thành khi cái tốt mình ao ước cho người khác là hạnh phúc, trung tín và thánh thiện của họ. Đồng thời, tình bạn này không phải “đặc biệt” theo nghĩa ngoại lệ hay ngoại trừ người khác, nhưng luôn luôn mở ra cho người khác, mặc dù giới hạn về thời gian và không gian khiến chúng ta khó lòng giao tiếp và đối xử với mọi người với cùng mức độ nhiệt huyết như nhau.

“Với đức mến tinh tế, điểm đặc trưng của Opus Dei, chúng ta giúp đỡ nhau sống và yêu mến thánh hóa bản thân mình và những người khác. Và chúng ta cảm thấy mạnh mẽ với sức mạnh của những lá bài, tuy không thể đứng thẳng một mình, nhưng bằng việc hỗ trợ lẫn nhau, có thể xây thành một lâu đài.”[30] Vì vậy tình yêu hiệp nhất chúng ta là cùng một tình yêu giữ gìn cả Opus Dei hiệp nhất.

15 Tình bạn là một sự hỗ trợ và tác động thường hằng cho sứ mạng tất cả chúng ta cùng chia sẻ. Với anh em hay chị em của mình, chúng ta cũng sẻ chia niềm vui và những dự định, nỗi ưu tư và những hy vọng, mặc dù hiển nhiên có những khía cạnh trong mối tương quan cá nhân giữa chúng ta với Thiên Chúa, ít nhất là thông thường, chúng ta dành riêng cho việc linh hướng. Điều tương tự cũng diễn ra nơi tình bạn giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, và, nói chung, giữa những người bạn tốt với nhau.

Nỗ lực làm cuộc sống của người khác dễ chịu là một sự dấn thân đầy niềm vui góp phần hình thành một phần cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Trong lĩnh vực này, chừng nào chúng ta còn hành động với lẽ thường và với ý nghĩa siêu nhiên, chúng ta sẽ rất khó để đi quá đà. Ngược lại, đó là một phần cốt lõi của con đường đi đến sự thánh thiện. “Cha không thấy phiền khi thường nói điều này: mỗi người đều cần tình cảm, và chúng ta trong Opus Dei cũng cần. Hãy đảm bảo rằng, không cần sướt mướt ủy mị, tình cảm của các con dành cho nhau sẽ luôn lớn dần. Bất cứ điều gì gây ảnh hưởng đến một trong những đứa con của cha—hết sức thật lòng!—phải là mối bận tâm của chúng ta.”[31] Đối với những ai đã sống với Cha chúng ta, điều mà họ đặc biệt nhớ là tình cảm của cha. Đây là cảm tình đã khiến cha phải cố dành ra những điều tốt nhất cho mỗi một người con trai con gái của cha, và đồng thời buộc cha phải yêu mến sâu xa tự do của họ.

16 Tình huynh đệ, là đức mến, hướng dẫn chúng ta, một mặt, nhìn những người khác qua ánh mắt Đức Kitô, luôn tái khám phá giá trị của họ. Mặt khác, tình huynh đệ buộc chúng ta ước muốn điều tốt hơn và thánh thiện hơn cho họ. Thánh Josemaria khuyến khích chúng ta : “Hãy luôn có một trái tim rộng lớn để yêu mến Chúa và anh chị em. Cha thường xin Chúa chúng ta cho cha một trái tim lớn như trái tim Chúa. Cha xin điều này, trước tiên, là để cha được đầy tràn Người hơn nữa, và sau đó là để yêu mến mỗi người mà không phàn nàn gì cả. Cha có thể thấu hiểu và dung thứ những khuyết điểm của người khác, bởi vì cha không thể quên Chúa đã phải chịu đựng cha dường nào. Sự cảm thông này, một tình cảm chân thật, cũng phải được biểu đạt trong lúc anh em sửa lỗi nhau, bất cứ khi nào cần thiết, bởi vì đó là một cách hoàn toàn siêu nhiên để giúp đỡ những người xung quanh chúng ta.”[32] Sửa lỗi cho anh em được sinh ra từ tình thương ; nó cho thấy rằng chúng ta luôn muốn người anh em được hạnh phúc hơn. Đôi khi khó để thực hiện điều đó, và đấy cũng là một lý do khác nữa để chúng ta biết ơn về điều đó.

17 Hạnh phúc cá nhân của chúng ta không tùy thuộc vào những thành công chúng ta gặt hái, nhưng đúng hơn là vào tình yêu chúng ta nhận được và tình yêu chúng ta cho đi. Tình yêu của những người anh em và chị em cho chúng ta an tâm cần thiết để chúng ta tiếp tục “chiến đấu trong cuộc chiến tranh đẹp nhất vì tình yêu và bình an: in hoc pulcherrimo caritatis bello! Chúng ta cố gắng đem đức mến của Đức Kitô đến cho mọi người, không có ngoại lệ nào dựa trên ngôn ngữ, quốc gia, hay cảnh sống.”[33] Chúng ta biết Cha chúng ta thích câu nói trong Kinh Thánh dường nào, Frater qui adiuvatur a fratre quasi civitas firma: Người anh em được giúp đỡ vững mạnh tựa thành được bao bọc. (Cn 18, 19)

Trong buổi gặp gỡ cuối cùng của cha với chúng ta, Don Javier thường xuyên lặp lại, “Hãy yêu mến nhau!” Đó là tiếng kêu, và vẫn luôn như vậy, vang vọng lại ý nguyện của Cha chúng ta. “Thánh Gioan Tông Đồ đã khẩn khoản nài xin biết bao khi ngài giảng về mandatum novum, điều răn mới là chúng ta nên yêu thương nhau! Cha sẽ quỳ gối, không chút diễn kịch - đây là điều tâm ý cha cầu xin - và xin các con, vì tình yêu Thiên Chúa, hãy yêu mến nhau, giúp đỡ nhau, nâng đỡ nhau, hãy biết tha thứ cho nhau thế nào. Và cũng thế, hãy cự tuyệt kiêu ngạo, trở nên trắc ẩn, sống yêu thương; giúp nhau trong đời sống cầu nguyện và tình bạn chân thành.”[34]

Việc tông đồ trong tình bạn và tín nhiệm

18 Từ những năm đầu của Opus Dei, Thánh Josemaria đã dạy chúng ta cách thức cụ thể mà qua đó Thiên Chúa mời chúng ta loan báo Tin Mừng giữa lòng thế giới. “Các con sẽ đem các tâm hồn đến gần hơn với Chúa bằng những lời nói đúng lúc mở ra cả chân trời tông đồ; bằng một lời khuyên khôn ngoan để giúp một người thử áp dụng phương thức Kitô hữu khi đối mặt với một vấn đề; qua cuộc nói chuyện thân thiện của các con, điều sẽ dạy người khác làm cách nào để thực hành đức mến: qua công việc tông đồ mà cha đôi lúc gọi đó là công việc tông đồ trong tình bạn và tín nhiệm. [35]

Tình bạn chân thật - giống như đức mến nâng chiều kích con người của tình bạn lên một tầm siêu nhiêu - tự nó là một giá trị. Nó không phải là một phương thế hay một công cụ để đạt được lợi thế xã hội, dù đôi khi nó có thể đem lại lợi thế đó (cũng như nó cũng có thể đem lại những bất lợi). Cha chúng ta, trong khi khuyến khích chúng ta trau dồi tình bạn với những người khác, đã đồng thời cảnh báo chúng ta: “Các con sẽ cư xử như vậy, các con của cha, thật vậy, đừng sử dụng tình bạn như một chiến thuật để thâm nhập xã hội (điều đó sẽ làm tình bạn mất đi giá trị tự bản chất của nó), nhưng như một yêu cầu, yêu cầu đầu tiên và trực tiếp nhất, của tình huynh đệ nhân loại, điều mà những người Kitô hữu chúng ta có bổn phận nuôi dưỡng giữa loài người, mặc cho họ có khác nhau đến dường nào.[36]

Tình bạn tự bản chất có một giá trị bởi vì nó biểu đạt một mối quan tâm chân thành cho những người khác. Vì vậy “tình bạn tự nó là một việc tông đồ; tình bạn tự nó là một cuộc đối thoại ở đó chúng ta trao và nhận ánh sáng. Trong tình bạn những dự định được rèn thành hình khi chúng ta cùng mở rộng những chân trời mới của nhau. Trong tình bạn chúng ta vui mừng trong những gì tốt lành và hỗ trợ nhau trong những lúc khó khăn; chúng ta có thời gian trọn lành với nhau, bởi vì Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc.”[37]

Khi tình bạn trở nên giống vậy, trung thực và chân thành, không cách gì tình bạn có thể bị biến thành công cụ. Mỗi người bạn chỉ đơn thuần muốn truyền đến người bạn kia điều tốt lành mà họ trải nghiệm được trong đời họ. Thường chúng ta sẽ làm điều đó mà không nhận thức được, qua mẫu gương của chúng ta, niềm vui và ao ước phục vụ của chúng ta sẽ được biểu lộ qua hàng ngàn con đường. Dù vậy, “tầm quan trọng của các chứng từ không có nghĩa là chúng ta làm thinh về Ngôi Lời. Tại sao chúng ta không nói về Đức Giêsu, tại sao chúng ta không nên kể cho những người khác việc Ngài ban cho chúng ta sức mạnh trong cuộc sống, rằng chúng ta thích thú khi nói chuyện với Ngài, rằng chúng ta được bao ơn lành từ việc suy ngẫm về Lời của Ngài?” Và sau đó, một cách tự nhiên, tình bạn sẽ chuyển hóa thành những tín nhiệm cá nhân, đầy nhạy cảm trong tôn trọng tự do, như là chính kết quả thiết yếu mà đặc tính chân thực của tình bạn đem lại.[38]

19 Theo tự nhiên, mỗi tương quan bằng hữu đưa tới nhiều khoảnh khắc: nói chuyện với nhau trong khi đi dạo hay trong lúc ngồi quanh bàn, chơi thể thao, vui hưởng cùng một sở thích, đi dã ngoại, v.v. Cách ngắn gọn, tình bạn yêu cầu dành thời gian tương tác và tín nhiệm nhau. Nếu không có những điều tâm sự được tín thác này sẽ không có tình bạn. “Khi tôi nói cho bạn nghe về ‘việc tông đồ trong tình bạn,’ tôi có ý nói đến tình bạn cá nhân, sự hy sinh và chân thành; mặt đối mặt, tâm đối tâm.”[39] Khi tình bạn chân thật, khi mối quan tâm của chúng ta cho người khác chân thành và tràn ngập trong lời cầu nguyện của chúng ta, sẽ chẳng có những khoảnh khắc nào chúng ta chia sẻ mà không phải là việc tông đồ: mọi chuyện đều là tình bạn và mọi chuyện đều là việc tông đồ, không thể phân biệt.

“Vì vậy ta có tầm quan trọng lớn lao của tình bạn, không chỉ mang tính con người mà còn thánh thiêng. Cha sẽ nói với các con một lần nữa, như cha vẫn hằng làm kể từ ngày khởi sự Opus Dei: hãy làm bạn với bạn của các con, những người bạn chân thực, và như vậy các con đã làm những việc tông đồ và có những đối thoại đầy hoa trái.” [40] Đây không phải là chuyện có bạn để làm việc tông đồ, nhưng là để đảm bảo rằng Tình yêu Thiên Chúa đổ tràn đầy tình bạn của chúng ta để nó trở nên việc tông đồ đích thực.

20 Tình bạn được sinh ra như là một món quà không ngờ đến, và vì lý do đó nó cũng yêu cầu sự kiên nhẫn. Đôi khi một vài kinh nghiệm xấu hoặc định kiến có thể đồng nghĩa với việc sẽ cần nhiều thời gian trước khi mối quan hệ cá nhân giữa chúng ta với một người gần ngay bên trở thành tình bạn. Sợ hãi, sự tôn trọng của con người hay định kiến có thể sẽ gây khó khăn. Sẽ tốt cho chúng ta khi cố gắng thử, đặt mình vào vị trí của người kia và nhẫn nại. Chúng ta cần phải trở nên giống Chúa Giêsu Kitô, Đấng “sẵn sàng nói chuyện với tất cả mọi người, ngay cả những người không muốn biết sự thật, như Phi-la-tô.”[41]

Có rất nhiều cách loan báo Tin Mừng. Tuy vậy, trong Opus Dei, công việc tông đồ chính yếu vẫn luôn là việc trong tình bạn. Đây là điều Cha chúng ta đã dạy: “Thật sự, các con thân mến của cha, hoa trái tuyệt vời nhất trong công việc của Opus Dei là việc mà thành viên của nó đạt được cho từng cá nhân bằng việc tông đồ gương mẫu và tình bạn trung thành với những đồng nghiệp tại nơi làm việc: trong trường đại học hay nhà máy, nơi công sở, hay trong hầm mỏ hoặc ngoài cánh đồng.”[42] Không phớt lờ những công việc mình có, chúng ta cần học cách làm thế nào để luôn chăm sóc bạn bè mình.

21 Thêm vào đó, tình bạn của chúng ta với họ sẽ thường được bổ khuyết bởi những việc tông đồ đoàn thể được thực hiện tại các trung tâm của chúng ta và các khởi xướng việc tông đồ. “Tình bạn đó, mối tương quan với một người trong các con sau đó sẽ được mở rộng, trước hết bằng cảm tình và thấu hiểu, và sau đó bằng chính sự có mặt thường xuyên của người bạn ấy tại một ngôi nhà của Opus Dei, nơi họ bắt đầu đến và rất sớm sẽ được dạy để xem như nơi đó như một thứ của họ, như nhà của họ. Tất cả những điều này, rõ ràng, sau đó được hiệp nhất vào tình bạn của họ với những người họ gặp và tìm hiểu trong ngôi nhà ấy của chúng ta.”[43]

22 Việc tông đồ trong tình bạn cũng bao gồm cả việc tông đồ ad fidem với những người không cùng chia sẻ niềm tin với chúng ta. “Các con của cha, hãy vững niềm tin, một niềm tin chắc chắn, một niềm tin sống động, một niềm tin sẽ làm việc qua tình yêu, veritatem facientes in caritate (x. Ep 4, 15). Hãy giữ tinh thần này khi đối xử với những người anh em bị xa cách và với những người không phải Kitô hữu. Hãy yêu thương mọi người, bác ái với mọi người, dâng tặng tình bạn cho mọi người. Không ai đến với bất kỳ việc tông đồ đoàn thể nào của chúng ta mà bị đối xử tệ bạc vì niềm tin của anh ấy hay cô ấy, và chúng ta không bao giờ nói với bất kỳ ai về niềm tin của chúng ta nếu người đó không muốn. [44]

* * *

23 Trong những trang thư này cha đã muốn nhắn gởi đến các con việc tất cả chúng ta cần tình bạn như thế nào; tình bạn như món quà của Thiên Chúa đem lại cho chúng ta sự an ủi và niềm vui. “Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo cách thức mà chúng ta không thể không chia sẻ những gì con tim chúng ta cảm nhận được với người khác: nếu chúng ta đã nhận lãnh một lý do để hạnh phúc, chúng ta cảm thấy một sức thúc bên trong khiến chúng ta muốn ca hát và mỉm cười, khiến chúng ta bằng cách này hay cách khác đem mọi người đến chia sẻ niềm vui với chúng ta. Nếu đó là nỗi buồn đổ đầy tâm hồn chúng ta, chúng ta muốn có một bầu khí yên tĩnh xung quanh mình, bầu khí cho chúng ta thấy rằng những người khác hiểu và tôn trọng chúng ta. Là con người, các con của cha, chúng ta đều cần được nâng đỡ bởi nhau, để có thể du hành trên dòng đời, để biến hy vọng của mình thành hiện thực, để vượt qua những gian truân, để tận hưởng thành quả công sức của mình. Đó là sự quan trọng, vừa con người vừa siêu nhiên, của tình bạn.[45]

Những người thanh niên đầu tiên đến sinh hoạt với Opus Dei vào thập niên 30 đã tìm thấy xung quanh Cha chúng ta một bầu khí tình bạn chân chính. Đó là điều đầu tiên cuốn hút họ, và nó đã giữ họ hiệp nhất trong những đoạn thời gian khó khăn. Tình bạn nhân cấp niềm vui và tỏ ý xoa dịu nỗi buồn của chúng ta. Một tình bạn của người Kitô hữu mong muốn điều hạnh phúc tuyệt vời nhất - một mối tương quan với Đức Giêsu Kitô - cho những ai gần với anh hay chị ấy. Chúng ta cùng cầu nguyện, như Thánh Josemaria đã cầu nguyện, “Xin ban cho chúng con, lạy Chúa Giêsu, trái tim bằng trái tim Chúa!” [46]. Đó là con đường. Chỉ có đồng hóa chúng ta với tình cảm của Đức Kitô—anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su (Pl 2, 5) —chúng ta mới có thể đem lại hạnh phúc sung mãn cho mái nhà, công việc, và mọi nơi chúng ta tìm thấy mình qua tình bạn.

Cha chúc lành cho các con với tất cả lòng yêu thương,

Rôma, 1 tháng 11 năm 2019

Lễ Các Thánh

Copyright © Prelatura Sanctæ Crucis et Operis Dei

(Không được công bố hoặc lưu hành, toàn bộ hoặc một phần,

mà không có sự cho phép rõ ràng của chủ sở hữu bản quyền)

(Not to be published or circulated, either in whole or in part,

without the express permission of the copyright holders)

(Pro manuscripto)

[1] Pastoral Letter, 14 February 2017, no. 9.

[2] Saint Josemaria, Letter, 24 October 1965, no. 10.

[3] Benedict XVI, Enc. Deus caritas est, 25 December 2005, no. 17.

[4] Francis, Apost. Exhort. Christus vivit, 25 March 2019, no. 154.

[5] Saint Josemaria, Letter, 31 May 1943, no. 8.

[6] Saint Josemaria, Letter, 11 March 1940, no. 70.

[7] Cf. Saint Thomas Aquinas, Summa theologiae, II-II, q. 23, a.1, c.

[8] Saint John Paul II, Address, 18 February 1981.

[9] Benedict XVI, Address, 15 September 2010.

[10] Francis, Apost. Exhort. Christus vivit, 25 March 2019, no. 152.

[11] Saint Josemaria, Friends of God, no. 225.

[12] Saint Gregory Nazianzus, Sermon 43.

[13] Ibid.

[14] Saint Josemaria, The Forge, no. 565.

[15] Saint Augustine, Confessions, 4, 7.

[16] Saint John Paul II, Apost. Letter Novo millennio ineunte, 6 January 2001, no. 43.

[17] Saint Josemaria, Letter, 9 January 1951, no. 30.

[18] Saint Josemaria, Letter, 24 October 1965, no. 10.

[19] Saint Josemaria, Furrow, no. 746. Cf. The Way, no. 463.

[20] Saint Augustine, The Catechesis of Beginners, 15, 23.

[21] Saint Josemaria, Letter, 8 August 1956, no. 38.

[22] Saint Josemaria, Letter, 24 October 1965, no. 2.

[23] Saint Josemaria, Letter, 31 May 1954, no. 23.

[24] Saint Josemaria, The Forge, no. 943.

[25] Saint Josemaria, Letter, 11 March 1940, 71.

[26] Pastoral Letter, 9 January 2018, 14.

[27] Saint Thomas, Summa theologiae, II-II, q.23, a.1, c.

[28] Pastoral Letter, 9 January 2018, 13.

[29] Blessed Alvaro, Foreword, in Friends of God.

[30] Saint Josemaria, Letter, 29 September 1957, 76.

[31] Saint Josemaria, quoted by Blessed Alvaro in Family Letters (1), 115.

[32] Saint Josemaria, Notes taken in a family gathering, October 1972.

[33] Saint Josemaria, Notes taken in a meditation, 29 February 1964.

[34] Saint Josemaria, The Forge, 454.

[35] Saint Josemaria, Letter, 24 March 1930, 11.

[36] Saint Josemaria, Letter, 11 March 1940, 54.

[37] Pastoral Letter, 9 January 2018, 14.

[38] Pope Francis, Apost. Exhort. Christus vivit, 176.

[39] Saint Josemaria, Furrow, 191.

[40] Saint Josemaria, Letter, 24 October 1965, 16.

[41] Ibid., 12.

[42] Saint Josemaria, Letter, 11 March 1940, 55.

[43] Saint Josemaria, Letter 24 October 1942, 18.

[44] Saint Josemaria, Letter 24 October 1965, 62.

[45] Ibid., 16.

[46] Cf. Saint Josemaria, Furrow, 813.

opusdei.org/…/thu-tu-duc-giam…